BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC
Đuối nước là một tai nạn bất ngờ xảy ra, không có nguyên nhân rõ ràng và khó lường trước được và gây ra những thương tổn thực thể trên cơ thể người và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nhất là ở lứa tuổi học sinh. Khi có sự xâm nhập đột ngột của nước hoặc chất dịch vào đường thở như: mũi, miệng , khí quản, phế quản, phổi. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể bị chết hoặc để lại di chứng rất nặng nề.
Hàng năm có rất nhiều tai nạn đuối nước xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng. Đặc biệt tỉ lệ tử vong do đuối nước ở lứa tuổi trẻ em là nhiều nhất. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước, nhất là những nơi có nhiều sông ngòi, ao, hồ... Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải nhiều vụ trẻ em đuối nước rất thương tâm do sự bất cẩn của người lớn. Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là một việc làm rất quan trọng và cần thiết. Điều đó giúp các em tự tin, chủ động xử lý linh hoạt các tình huống trong cuộc sống. Một trong những kĩ năng được đặc biệt chú trọng là phòng, tránh tai nạn đuối nước. Thời gian nghỉ hè của các em học sinh đang tới gần, nếu các em không được thường xuyên giáo dục, nhắc nhở rất có thể gây lên những đáng tiếc có thể xảy ra. Vì vậy mỗi chúng ta cần có những hiểu biết về việc phòng, chống tai nạn đuối nước.
1. Nguyên nhân gây đuối nước
- Đuối nước thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh vì trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò còn đối với trẻ nhỏ do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình.
Do môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu … không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.
- Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi…
2. Để phòng tránh tai nạn đuối nước chúng ta cần chú ý quan tâm đến các việc sau:
- Không được đi tắm, bơi ngoài sông mà không có người lớn biết bơi đi kèm.
- Không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ.
- Không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu để tránh bị ngã, rơi xuống hố.
- Nên có người lớn đưa đi học trong mùa mưa lũ.
- Dạy bơi cho trẻ là biện pháp hiệu quả trong phòng chống đuối nước
3. Những nguyên tắc an toàn khi bơi:
+ Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn
+ Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi và cứu đuối.
+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Phải khởi động trước khi xuống nước.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
+ Không dùng các phao bơm hơi.
+ Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi, kèm.
4. Xử lý khi gặp tai nạn đuối nước
- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dài , chắc từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên.
- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:
+ Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, dùng miệng áp miệng thổi ngạt cho nạn nhân. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không. Nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, đặt bàn tay phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
+ Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.
![]() |
Hình ảnh mô phỏng sơ cứu nạn nhân đuối nước
- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cơ thể bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất
Trên đây là những điều chúng ta nên biết về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, rất mong nhân dân trong xã và các em học sinh hãy quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho bản thân và những người thân trong gia đình về tai nạn đuối nước./.
Thực hiện: AN